Những điều cần biết về Phòng cháy chữa cháy trong kinh doanh nhà trọ?

26/02/2019 01:14 Đăng bởi: admin

Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, văn hóa, do đó thu hút nhiều lao động, học sinh, sinh viên cả nước hội tụ về đây làm việc và học tập. Để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho các đối tượng trên, các nhà trọ mọc lên như nấm ở nhiều nơi. Những khu vực này tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ cháy nổ…

Đa số các khu nhà trọ không trang bị các phương tiện chữa cháy ban đầu hoặc có trang bị nhưng không đầy đủ, mang hình thức đối phó với cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, do bận bịu lo toan cho cuộc sống, học tập, hầu hết người thuê trọ không mấy chú ý đến vấn đề an toàn phòng cháy và chữa cháy, việc sử dụng thiết bị điện, chất đốt (chủ yếu là sử dụng bình gas mini) an toàn, việc sắp xếp, bố trí đồ đạc đảm bảo khoảng cách chưa thực sự được quan tâm. Sự chủ quan của cả người cho thuê và người thuê trọ này đã phải đánh đổi từ những câu chuyện thực tế, mất nhà, mất tài sản và thậm chí thiệt hại cả về người.

Đứng trước tình hình này, chúng tôi cung cấp một số thông tin cần thiết quy định về đăng ký và xử phạt Phòng cháy chữa cháy trong kinh doanh nhà trọ cho thuê mà các chủ trọ và khách thuê cần biết đảm bảo an toàn, tránh những rủi ro không đáng có

Về đăng ký PCCC

Trong quá trình làm thủ tục xin giấy phép xây dựng nhà trọ thì đã cần phải có bản vẽ hệ thống PCCC đã được thẩm duyệt đối với công trình thuộc danh mục yêu cầu phải thẩm duyệt phương án phòng chống cháy, nổ theo quy định của pháp luật về PCCC. Vì thế bạn cần phải đăng ký phòng cháy chữa cháy.

Về mức phạt nếu vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy

Điều 23 Luật Phòng cháy chữa cháy quy định về yêu cầu Phòng cháy đối với công trình cao tầng, như sau: “Công trình cao tầng phải có giải pháp chống cháy lan, chống tụ khói, lan truyền khói và hơi độc do cháy sinh ra; bảo đảm các điều kiện thoát nạn an toàn nhằm cứu người, tài sản khi có cháy xảy ra; trang bị hệ thống tự động phát hiện cháy, trang bị phương tiện, hệ thống chữa cháy bảo đảm khả năng tự chữa cháy; sử dụng vật liệu xây dựng khó cháy; không sử dụng vật liệu trang trí nội thất, vật liệu cách âm, cách nhiệt dễ cháy”.

Nhà chung cư cao tầng vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy (PCCC) sẽ bị xử phạt theo Điều 36 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình như sau:

1. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi không có biện pháp và phương tiện bảo đảm an toàn về PCCC trong quá trình thi công, xây dựng công trình;

2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi không thiết kế hệ thống PCCC đối với công trình thuộc diện phải có thiết kế về PCCC;

3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi đưa nhà, công trình vào sử dụng không đảm bảo một trong các điều kiện về an toàn PCCC đối với công trình không thuộc diện phải thẩm duyệt về PCCC;

4. Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong những hành vi: Thi công, lắp đặt không đúng theo thiết kế về PCCC đã được cơ quan có thẩm quyền thẩm duyệt; Không trình hồ sơ để thẩm duyệt lại khi cải tạo, mở rộng, thay đổi tính chất sử dụng nhà, công trình trong quá trình thi công, sử dụng theo quy định.

5. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với một trong những hành vi: Tổ chức thi công, xây dựng công trình thuộc diện phải thẩm duyệt về PCCC khi chưa có giấy chứng nhận thẩm duyệt về PCCC; Chế tạo mới hoặc hoán cải phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn PCCC mà chưa được cơ quan có thẩm quyền thẩm duyệt.

6. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi đưa nhà, công trình vào hoạt động, sử dụng khi chưa tổ chức nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy.

7. Buộc khắc phục các điều kiện để đảm bảo an toàn phòng cháy và chữa cháy đối với hành vi quy định tại Khoản 1, Khoản 3 Điều này; Buộc tổ chức để cơ quan quản lý nhà nước nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy đối với hành vi quy định tại Khoản 6 Điều này.

Từ những quy định trên chủ trọ và khách thuê cần phải tuân thủ:

1/ Chủ hộ gia đình có trách nhiệm:

a) Đôn đốc, nhắc nhở thành viên trong gia đình thực hiện quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy;

b) Thường xuyên kiểm tra phát hiện và khắc phục kịp thời nguy cơ gây cháy, nổ;

c) Phối hợp với cơ quan, tổ chức và hộ gia đình khác trong việc bảo đảm điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy; quản lý chặt chẽ và sử dụng an toàn chất dễ gây cháy, nổ.

2/ Cá nhân có trách nhiệm:

a) Chấp hành quy định, nội quy, yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy của người hoặc cơ quan có thẩm quyền;

b) Tuân thủ pháp luật và nắm vững kiến thức cần thiết về phòng cháy và chữa cháy; biết sử dụng dụng cụ, phương tiện phòng cháy và chữa cháy thông dụng;

c) Bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy trong quá trình sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt và trong bảo quản, sử dụng chất cháy;

d) Ngăn chặn nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, hành vi vi phạm quy định an toàn về phòng cháy và chữa cháy;

đ) Thực hiện quy định khác có liên quan đến trách nhiệm cá nhân trong Luật này.

Thông qua bài chia sẻ dưới đây chúng tôi hi vọng các chủ trọ và khách thuê có thể lưu ý và thực hiện đầy đủ các quy định về PCCC đểm đảm bảo an toàn cho bạn và chính ngôi nhà của các bạn.

iTro chúc các bạn may mắn và thành công!